Từ trước đến nay, đất đai vẫn luôn là tài sản giá trị đối với mỗi người. Do đó, hiện nay cũng có nhiều tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra và cần được giải quyết kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho đôi bên cũng như trật tự xã hội. Vậy mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai được viết như thế nào? Hãy cùng BATDONGSAN EXPRESS tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.
Khi có những tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai xảy ra mà các bên không thể tự hòa giải, các hộ gia đình hoặc cá nhân có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về đất của mình.
Để có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trước tiên các bên cần nộp đơn đề nghị tại UBND các cấp có thẩm quyền tại nơi có đất để được hòa giải. Nếu vẫn chưa thể hòa giải và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, các bên có thể tiến hành nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết triệt để tranh chấp.
Bên cạnh đó, dù nộp đơn yêu cầu tại UBND cấp xã hoặc Tòa án thì mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai luôn là loại giấy tờ buộc phải có đủ trong bộ hồ sơ.
Xem thêm:Mẫu đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất hoàn chỉnh
- Cần xác định rõ tên cơ quan các cấp có thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp đất đai: Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 nêu rõ các quy định về thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp xã.
- Cần ghi đầy đủ họ tên, nơi cư trú của người làm đơn đề nghị cũng như những bên liên quan đến vấn đề xảy ra tranh chấp đất đai.
- Cần kê khai đầy đủ những nội dung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai như: lý do, mục đích tranh chấp, tóm tắt vụ việc dẫn đến xảy ra tranh chấp giữa các bên (cần liệt kê theo đúng trình tự thời gian, ghi rõ khu vực, thửa đất xảy ra tranh chấp, phần đường bị lấn chiếm,...) để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Cần ký và ghi rõ họ tên người làm đơn đề nghị cũng như được chính quyền địa phương tại nơi có đất tranh chấp xác nhận.
- Cần kê khai đủ các danh mục tài liệu, minh chứng liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai như: giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu đất, sổ hộ khẩu, CMND/CCCD,... đính kèm theo mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Xem thêm: Mẫu giấy cam kết đất đai mới và hoàn chỉnh
Tòa án Nhân dân sẽ giải quyết các trường hợp xảy ra tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và những tranh chấp liên quan đến tài sản gắn liền với đất đai.
Trong trường hợp đương sự không có giấy chứng nhận sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì xảy ra tranh chấp thì có thể lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp như sau:
- Một là tiến hành nộp đơn đề nghị lên UBND các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tại Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 để được giải quyết tranh chấp.
- Hai là tiến hành khởi kiện trực tiếp lên Tòa án Nhân dân các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 để được giải quyết tranh chấp xảy ra.
Khi các bên chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND các cấp có thẩm quyền thì quy trình thực hiện chi tiết như sau:
- Nếu xảy ra tranh chấp giữa các hộ gia đình, các cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thì Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ tiến hành giải quyết. Nếu đương sự các bên không thấy thỏa đáng với quyết định giải quyết thì có thể nộp đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc trực tiếp khởi kiện tại Tòa án Nhân dân theo các quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
- Nếu xảy ra tranh chấp mà một bên đương sự là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam hiện đang định cư tại nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp giải quyết. Trường hợp các bên không thấy thỏa đáng với quyết định giải quyết thì có thể nộp đơn khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện trực tiếp tại Tòa án Nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể hòa giải được tại UBND cấp xã, đương sự các bên có thể đề nghị giải quyết tranh chấp tại UBND cấp trên hoặc khởi kiện trực tiếp tại Tòa án Nhân dân các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tại Điều 203 Luật Đất đai 2013 để được giải quyết.
Trường hợp giải quyết tại UBND các cấp có thẩm quyền: Theo Khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP), hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai gồm:
“a) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
b) Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
c) Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
d) Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.”
Trường hợp khởi kiện trực tiếp tại Tòa án: Tại Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về hồ sơ khởi kiện như sau:
“Kèm theo đơn khởi kiện phải có: tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”
- Thủ tục khi nộp đơn yêu cầu hòa giải, giải quyết tranh chấp tại UBND được quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.”
- Thủ tục khi nộp đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án Nhân dân các cấp có thẩm quyền như sau:
Đương sự phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn đề nghị giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật tại Điều 189 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Ngoài ra, cần nộp đính kèm những minh chứng cho yêu cầu khởi kiện và các loại giấy tờ tùy thân liên quan đến các bên trong giải quyết yêu cầu khởi kiện.
Người làm đơn cần nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án Nhân dân các cấp có thẩm quyền.
Thẩm phán sẽ được phân công xem xét và tiến hành các thủ tục pháp lý nếu hồ sơ khởi kiện đã đầy đủ và hợp lệ.
Người làm đơn cần nộp khoản tiền án phí sơ thẩm tạm ứng theo giấy báo của Tòa án trong vòng 7 ngày. Sau khi Tòa án nhận được biên lai nộp tiền án phí tạm ứng của người khởi kiện sẽ tiến hành thụ lý vụ án.
Thời gian chuẩn bị cho việc xét xử, giải quyết là 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý.
Bài viết trên của BATDONGSAN EXPRESS đã hướng dẫn chi tiết đến bạn đọc cách viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai cũng như cung cấp các thông tin liên quan cần thiết. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm kiến thức hữu ích để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn